Hơn 1 năm kể từ khi đại dịch Covid bắt đầu hoành hành, nhiều thương hiệu thời trang lớn nhỏ đều phải chịu kha khá tổn thất. Nhưng nếu để nói về cái tên hứng nhiều sóng gió nhất, thì đó chỉ có thể là H&M.
14 tháng kể từ khi được "cai trị" với nữ CEO đầu tiên - bà Helena Helmersson, H&M đã gặp phải chuỗi liên hoàn u ám với đủ các vấn đề khiến người ngoài nghe thôi cũng đủ thấy đau đầu.
Vào thời điểm CEO 47 tuổi này cầm quyền được 6 tuần, đồng thời cũng là giai đoạn dịch Covid bắt đầu ập đến, giá cổ phiếu của H&M tụt dốc 50%, tốc độ nhanh đến mức không ai có thể ngờ. Không chỉ vậy, khi ấy, nhiều cửa hàng của thương hiệu này cũng phải đối phó với việc đóng cửa do dính đến bê bối phân biệt chủng tộc.
Ngoài sự ảnh hưởng của đại dịch, H&M cũng lao đao vì khối lượng hàng tồn kho đã lên đến mức kỉ lục. Để cải tổ lại bộ máy, 300 cửa hàng phải đóng cửa và 16.000 nhân viên toàn thời gian của thương hiệu này cũng bị buộc phải thôi việc. Rồi tới giữa tháng 4/2020, khoảng 80% trong số 5.000 cửa hàng trên toàn cầu của H&M phải đóng cửa tạm thời để phong toả chống dịch.
Dù đó chỉ là phương án tạm thời, song, tàn dư mà nó để lại vẫn hết sức nghiêm trọng. Bởi hiện, giá trị của hàng tồn kho tại H&M đã lên đến con số 4,2 tỷ USD, tương đương với 21,5% doanh thu trong 12 tháng tính đến hết quý 1/2021, tăng 20,4% so với 3 tháng trước và gấp đôi so với Inditex SA, chủ sở hữu của Zara.
Điều đáng nói, cơn ác mộng của thương hiệu Thuỵ Điển vẫn chưa dừng lại tại đó vì mới đây, họ đã khiến người Trung Quốc - đồng thời là tập khách hàng rất lớn của chính mình nổi giận. Đây có thể nói là giai đoạn u ám đỉnh điểm với nữ CEO 47 tuổi nói riêng và H&M nói chung.
Cụ thể, H&M bị chính phủ và người dân Trung Quốc chỉ trích nặng nề vì không sử dụng bông sản xuất ở Tân Cương. Người tiêu dùng nước này rất bất bình. Trong tuần vừa qua, vị trí của các cửa hàng H&M ở Trung Quốc cũng "bay màu" khỏi ứng dụng bản đồ trực tuyến.
Nhiều trang thương mại điện tử cũng gỡ hết các sản phẩm của H&M trên nền tảng của họ, thậm chí ẩn luôn chức năng tìm kiếm thương hiệu này. Nhiều cửa hàng của H&M tại các tỉnh ở Trung Quốc cũng bị chủ cho thuê mặt bằng đòi lại.
Làn sóng tẩy chay H&M ở Trung Quốc đang lan mạnh và nhanh vô cùng. Đây thật sự là đòn giáng mạnh với thương hiệu này bởi Trung Quốc là thị trường quan trọng đồng thời là là động lực tăng trưởng lớn nhất của họ. Chỉ trong quý trước, doanh thu tại thị trường Trung Quốc đã chiếm 6% tổng doanh thu của hãng, lớn thứ 3 sau Mỹ và Đức mà thôi.
Phải nói rằng, H&M đã và đang trải qua nhiều khủng hoảng, dù ở khía cạnh trực tiếp hay gián tiếp thì hãng vẫn bị ảnh hưởng ít nhiều. Hồi tháng 7/2020, & Other Stories, một trong những "đứa con" của tập đoàn H&M Group, cũng bị dân tình "đả đảo" vì ra mắt mẫu mũ vớ tên gọi sặc mùi phân bật chủng tộc - Nigga Lab Beanie. Sau sự việc này, & Other Stories phải thu hồi lại toàn bộ sản phẩm và phải tạm đóng cửa nhiều cửa hàng. H&M dù không phải là "thủ phạm" nhưng vẫn gặp không ít hệ luỵ.
2020/2021 tất nhiên không phải là những năm đầu tiên, H&M phải kinh qua bão tố mà trước đó, hãng cũng nhiều lần gặp scandal lắm rồi. Đơn cử như vào năm 2018, H&M dính phốt bán áo hoodie phân biệt chủng tộc, khiến nhiều cửa hàng tại Nam Phi bị phá hoại và bị người dân biểu tình, tẩy chay. Hãng sau đó đã phải đăng đàn xin lỗi chính thức, đồng thời bổ nhiệm thêm lãnh đạo toàn cầu để chuyên trách về mảng này.
Khi triển khai chiến dịch H&M Loves Music, hãng cũng bị "ném đá" vì tung ra mẫu phụ kiện xúc phạm thổ dân. Mẫu vòng lông chim vốn là item chỉ thuộc về các tù trưởng, thể hiện sự kính trọng, dan dự chứ không phải là món đồ có thể đem bán kiếm lời như vậy. Dẫn đầu làn sóng chỉ trích khi ấy là Kim Wheeler, thuộc bộ tộc Ojibwa-Mohawk.
Năm 2012, hãng cũng vấp phải làn sóng phản đối do "vô tình" cổ xuý cho làn da rám nắng trong một chiến dịch quảng bá đồ bơi. Chiến dịch này đúng là có thể giúp hãng bán nhiều đồ hơn nhưng đồng thời cũng khiến tỉ lệ người mắc ung thư da do phơi nắng cao hơn. Một lần nữa, H&M phải lên tiếng xin lỗi.
Bên cạnh đó, hãng cũng từng nhiều lần lao đao trong khoản chọn người mẫu quảng cáo đồ. Khi thì H&M bị chỉ trích vì sử dụng hình ảnh người mẫu giả để quảng cáo bikini, khi thì bị "ném đá" thuê người mẫu gầy để quảng cáo đồ ngoại cỡ cũng bị khách hàng "ném đá" hết sức, lúc lại cổ xuý cho dàn mẫu tong teo... Sau mỗi lần dính phốt, H&M lại xin lỗi và hứa sẽ cân nhắc, xem xét mọi việc kỹ lưỡng, tránh để trường hợp tương tự lặp lại nhưng đâu lại vào đấy cả thôi.
Tổng hợp, Bloomberg
Ảnh: Internet