Trong cuộc sống, có lẽ chúng ta đã nhiều hơn một lần bị yêu cầu phải “trưởng thành”. Bằng cách nào đó, chúng ta phải học cách ăn mặc, ứng xử đĩnh đạc hơn để làm việc và phát triển.
Học thêm tư duy phản biện để có cái nhìn thấu đáo về mọi thứ.
Học cách làm việc dưới áp lực, để không bị sếp mắng.
Học cách “đọc vị” đối phương, để ta biết mình không lạc đường trong những mối quan hệ.
Học cách bớt “ngây thơ” đi một chút, vì không thể trao lòng tin cho sai người.
Vân vân và vân vân những bài học mà ta được cuộc đời yêu cầu phải học. Chúng ta năm 25, 30 tuổi sẽ cư xử khác cái hồi mình còn “vắt mũi chưa sạch”, và nhiều người tin rằng họ của năm 7 tuổi sẽ chỉ còn là một ký ức, là một bức ảnh bố mẹ chụp vội, im lìm trong cuốn album gia đình cả năm mở ra xem một lần. Nhưng điều đó không thực sự chính xác.
Khi còn nhỏ, trải nghiệm nào cũng là một điều mới mẻ, những cảm xúc "lần đầu" đôi khi lại đi theo chúng ta cả đời. Ta thường nhớ và đau về mối tình đầu tiên, cũng giống như cách ta vẫn nhớ như in một vài lần bị bố mẹ mắng, nhớ cảm giác hoảng sợ sau mỗi lần họp phụ huynh. Ta yêu những cảm giác thân thuộc của bữa cơm gia đình, hay những quan tâm ân cần của mẹ, sự nghiêm khắc của bố. Tiềm thức của mỗi người đều ghi lại dấu ấn của những trải nghiệm cảm xúc ấu thơ, không để trôi đi mà biến nó thành một “đứa trẻ” không chịu lớn, mãi mãi nấp trong ta như vậy. Chúng ta lớn lên và già đi, được dắt tay chỉ đường bởi một đứa trẻ bên trong mà không hay biết.
Vì sao chúng ta lại bị chi phối bởi tuổi thơ?
“Đứa trẻ bên trong” là một khái niệm tâm lý, là phép ẩn dụ nhắc đến bản chất nguyên thủy của mỗi người. Chúng ta là người tích cực khi đứa trẻ ấy luôn tìm được nguồn sáng, và ngược lại. Một tuổi thơ chịu nhiều tổn thương, đau đớn sẽ tạo ra những đứa trẻ mang trên mình không chỉ vết sẹo mà còn là những cảm xúc đen tối, chực chờ bộc phát.
Việc gọi phần tâm lý này là một “đứa trẻ bên trong” cũng chỉ là một phép ẩn dụ (đừng nhầm lẫn với thai nhi trong bụng mẹ!). Dẫu vậy, nó vẫn là một khái niệm hoàn toàn có thật và sở hữu sức ảnh hưởng to lớn đến chính chúng ta ngay cả lúc trưởng thành. Nhà tâm lý học lỗi lạc Sigmund Freud cách đây cả một thế kỷ đã đưa ra nhận định: phần lớn những vấn đề tâm lý và các hành vi tiêu cực của con người đều bị ảnh hưởng, điều khiển bởi “đứa trẻ bên trong”.
Một vài ví dụ về tác động của đứa trẻ bên trong lên chủ thể: Người hay bị cha mẹ mắng mỏ, chì chiết từ khi còn nhỏ thường sẽ cảm thấy bất an về chính mình trong chuyện tình cảm; Người được cưng chiều quá đỗi lúc bé, về sau cũng dễ có thái độ chủ quan trong cuộc sống. Đôi khi, chúng ta bộc phát những hành động, suy nghĩ mà chính bản thân cũng không giải thích được. Này, không phải là “đứa trẻ” đang giật dây đấy chứ?
Đứa trẻ bên trong vẫn là điều mới mẻ, xa lạ với nhiều người, và mới chỉ được biết đến nhiều hơn nhờ thế hệ Gen Z và sự chú trọng tới vấn đề sức khỏe tâm lý. Chúng ta luôn nghĩ rằng mình đã lớn lên và vượt qua những nỗi buồn thơ ấu, để chúng nằm khuất sau những tầng tiềm thức sâu thẳm mà không hề biết rằng, những nỗi buồn và sợ hãi của tuổi thơ ấy vẫn tồn tại như một phần của con người ta hiện tại. Phần lớn những người trưởng thành cũng không nhận ra rằng họ đang sống với chính bản thể của tuổi thơ ẩn náu sâu trong nhận thức. Sự mất kết nối này khiến “đứa trẻ” ấy... chạy lung tung, và cũng là nguồn cơn của nhiều hành vi, ý nghĩ bộc phát bất ngờ. Đôi khi, một đứa trẻ bên trong bị tổn thương và đè nén sẽ là nguồn cơn của chứng trầm cảm, rối loạn lo âu hay là lý do cho một vài cách cư xử, nỗi ám ảnh của hiện tại.
Làm thế nào để tìm được đứa trẻ bên trong?
Người bạn của tôi đã dùng dằng, bực tức với người yêu vì anh ta bất ngờ nhận được lịch đi công tác trùng ngày với chuyến đi mà họ đã dày công lên kế hoạch. Chuyến du lịch đổ bể không vì lỗi của ai cả, nhưng bạn tôi vẫn dậm chân, đóng sầm cánh cửa, chẳng buồn nói chuyện với người yêu trong suốt 2 ngày trời. “Là do tao không quan trọng lắm đúng không?”, tôi nghe điện thoại của cô ấy mà cảm nhận được làn nước mắt rỉ ra từ loa của iPhone. Đây là một trong rất nhiều lần cô ấy giận dỗi tưởng như vô cớ và không cảm thông cho mọi lý do của người yêu. Thế nhưng, ẩn sâu bên trong, tuổi thơ của bạn tôi đã trải qua rất nhiều lần phải xếp sau những mối bận tâm khác trong cuộc sống của bố mẹ. Điều đó khiến cô ấy luôn ôm trong mình một nỗi sợ nơm nớp rằng mình chỉ là lựa chọn thứ hai...
Khi đói, chúng ta cũng dễ trở nên cáu bẳn, hậm hực với những người xung quanh. Đâu phải lỗi của họ, nhưng chúng ta vẫn rên rỉ và bực dọc. Chính là đứa trẻ bên trong, đang mè nheo đòi ăn như chúng ta từng làm thời thơ bé mà thôi!
Đứa trẻ bên trong có tác động to lớn đến chính hành động của mỗi người, nhưng ít ai nhận ra điều đó. Để thực sự thấu hiểu và khiến bản thân bớt bị chi phối một cách vô lý bởi đứa trẻ bên trong, bước đầu tiên chính là khai phá và liên hệ được với phần tâm trí ấy trong chính mình.
Để kết nối được với đứa trẻ bên trong, bạn cần phải tin là nó có tồn tại. Đừng nỗ lực “săn lùng” đứa trẻ bên trong như một con người, bản thể riêng biệt mà hãy coi nó như là đại diện cho một phần tính cách to lớn của mình. Hoặc, hãy coi việc đi tìm đứa trẻ bên trong như hành trình để kết nối lại với quá khứ, tuổi thơ của bản thân.
Nghe hơi vô lý, nhưng việc chơi đùa với trẻ nhỏ cũng là một cách để bạn cảm thấy rõ rệt nhất đứa trẻ bên trong mình. Khi chơi đùa với trẻ em, bạn sẽ dần đi đến một trạng thái vô lo, không bị ràng buộc và thực sự sống-trong-khoảnh-khắc. Ngoài ra, bạn cũng có thể thử tìm lại những sở thích mà bản thân đã từng mê mẩn. Bằng việc này, biết đâu bạn sẽ hiểu thêm về những cảm xúc cá nhân trong quá khứ, cũng như phương hướng mà tâm trí của mình vận hành theo cách bản năng nhất.
Cũng giống như lật mở một cuốn album cũ, bạn nên lật lại những ký ức thời ấu thơ của mình - những khoảnh khắc mà bạn cảm thấy rõ rệt và có ấn tượng lớn nhất, cả tốt cả xấu. Việc nhìn lại quá khứ và đi qua những cảm xúc ấy một lần nữa sẽ giúp bạn hiểu được đứa trẻ bên trong của mình đang sở hữu niềm vui ra sao, hay sự tiêu cực nào cần phải giải tỏa.
Việc viết lách hay thiền định cũng là cách để bạn nhìn sâu về trong tâm trí của mình, để hình dung và xem xét được những gì mà đứa trẻ bên trong đang muốn nói.
Trở thành người nuôi dưỡng đứa trẻ trong chính mình
Những hành vi và suy nghĩ của chúng ta sẽ được trau dồi và lớn lên theo thời gian, tuy nhiên phần nhiều vẫn chịu ảnh hưởng của tiềm thức. Đứa trẻ bên trong có thể trở thành cội nguồn của sức mạnh và sự tích cực dành cho bạn. Một “đứa trẻ” khỏe mạnh, được chăm chút và nâng niu sẽ mang đến những niềm vui và cảm hứng sống từ những điều nhỏ bé trong cuộc sống - giống như cái cách chúng ta say sưa với món quà vặt, quyển truyện tranh ngày nào. Những mối quan hệ, cách nhìn nhận và xử lý công việc hay nuôi dạy con cái cũng là những khía cạnh quan trọng, bị ảnh hưởng lâu dài nằm dưới mái vòm tiềm thức ấy.
Đôi khi, đứa trẻ bên trong bị che giấu, bỏ rơi hoặc ruồng bỏ, nhưng nó vẫn ở đó và gánh vác những tổn thương hay các ý niệm cảm xúc nguyên thủy của chúng ta. Việc che giấu đi nỗi đau sẽ không mang đến sự chữa lành, mà giống như bạn đang đặt một quả bom hẹn giờ ở trong hộc tủ. Sự trưởng thành thật sự sẽ đến khi mỗi người tìm được cách để kết nối, để có được hành trình tâm linh với chính đứa trẻ bên trong của mình, chịu trách nhiệm cho nó. Thậm chí, chúng ta còn phải đóng vai trò của một người “phụ huynh” để tiếp tục nuôi nấng và bồi đắp cho chính đứa trẻ ấy.
Một khi đã tìm được cách để kết nối với đứa trẻ bên trong (như đã nói ở trên), bạn có thể cảm nhận được sự xuất hiện của nhiều hình thái cảm xúc: sự sợ hãi khi bị bỏ rơi, sự tức giận khi nhu cầu không được đáp ứng, sự tự ti về bản thân thua kém, sự tội lỗi hoặc nhục nhã do lỗi lầm, sự lo âu… Tất cả đều là những cảm xúc hoàn toàn bản năng của con người, và nó sẽ giải thích cho rất nhiều lần bạn bất ngờ rơi vào tình trạng không thể kiểm soát được cách ứng xử của mình.
Khi đã nhận ra những vấn đề của đứa trẻ bên trong, bước tiếp theo chính là chữa lành cho nó. Một khi đã ý thức được những cảm xúc này của đứa trẻ bên trong, bạn sẽ biết cách để chấp nhận và thoát ra khỏi sự kiểm soát của nó, mang đến sự bình ổn hơn trong tâm trí, hành động. Điều này cũng là một bước trong hành trình chữa lành đứa trẻ bên trong của mỗi người.
Nếu cảm thấy bế tắc trong việc đối diện với cảm xúc, hãy tìm đến việc viết lách. Đừng nghĩ quá nhiều về chuyện bạn phải viết cái gì hay viết như thế nào. Thử tưởng tượng bản thân đang là một đứa trẻ 8 tuổi, bạn sẽ viết cái gì? Bạn sẽ phản ứng thế nào với những thứ xung quanh mình? Trò chơi đơn giản này có thể giúp bạn tìm thấy trái tim của đứa trẻ bên trong.
Tất nhiên, khi cảm thấy bản thân của mình đang quá lệ thuộc vào những cách ứng xử bản năng mà không thể tự khắc phục, lời khuyên tốt nhất cho bạn chính là hãy tìm đến sự giúp đỡ của những người có chuyên môn như bác sĩ tâm lý. Họ sẽ giúp bạn tìm được cội nguồn cảm xúc của mình, chữa lành và đứng dậy từ tổn thương.
Mong rằng, đứa trẻ bên trong bạn thật khỏe mạnh và hạnh phúc.