Ads

Trong vài giây bé trai mất 4 ngón tay: Cha mẹ phải dạy ngay con kỹ năng phòng tránh tai nạn sinh hoạt

Trong vòng một tuần đã có 14 bệnh nhi (độ tuổi từ 2-9 tuổi) vào Khoa Chỉnh hình Nhi với những chấn thương khác nhau.

Tai nạn rình rập trẻ trong sinh hoạt hàng ngày

Ngày 3/6, một bé trai 6 tuổi ở Nghệ An được đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng 4 ngón bàn tay phải bị đứt rời.

Gia đình cho biết, trẻ được nghỉ hè nên ra cửa hàng bán trà sữa của gia đình chơi. Tối ngày 2/6, trong khi mẹ đang mải bán hàng không để ý, trẻ đã cho ly thủy tinh uống nước của mình vào máy dập trà sữa. Do kích cỡ của ly thủy tinh nhỏ hơn so với ly trà sữa nên bị lọt xuống phía dưới, trẻ cố thò tay vào để chỉnh ly thủy tinh đúng lúc máy đang dập, khiến trẻ bị đứt rời 4 ngón tay bàn tay phải.

Ngay sau tai nạn, gia đình đã bảo quản phần đốt ngón tay bị đứt lìa vào hộp đá và đưa trẻ đến trạm y tế gần nhà để sơ cứu và cầm máu, sau đó trẻ tiếp tục được chuyển đến bệnh viện tuyến tỉnh. 4h30’ sáng ngày 3/6, trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương để theo dõi và tiếp tục điều trị.

“Rất đáng tiếc, do mạch máu đốt 3 của các ngón rất nhỏ, vết thương bị dập nát và thời gian sau chấn thương dài nên chúng tôi không thể nối phần đốt 2, 3 ngón I, II, III,IV đã bị đứt lìa cho trẻ. Các bác sĩ buộc phải tiến hành phẫu thuật tạo hình mỏm cụt các ngón tay cho trẻ. Hiện tại sau phẫu thuật và chăm sóc hậu phẫu, tình trạng sức khỏe của bệnh nhi ổn định. Tuy nhiên, việc trẻ bị mất ngón tay sẽ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, khả năng lao động, hòa nhập cuộc sống của trẻ sau này” – Bác sĩ Hoàng Hải Đức, Trưởng khoa Chỉnh hình Nhi, Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay.

Trong vài giây bé trai mất 4 ngón tay: Cha mẹ phải dạy ngay con kỹ năng phòng tránh tai nạn sinh hoạt - Ảnh 1.

Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhi

Ths.Bs CKII Lê Tuấn Anh - Phó trưởng khoa Chỉnh hình nhi, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trẻ nhập viện với chẩn đoán bỏng sâu độ IV mu bàn tay phải đốt I,II,III,IV và có dấu hiệu hoại tử da do bị chà xát mạnh vào dây curoa và nhiệt của máy tập. 

Một trường hợp khác nhập viện Nhi trung ương điều trị gần đây là bé Nguyễn Minh (6 tuổi, ở Hà Nội). Tai nạn xảy ra khi bố của bé đang tập thể dục bằng máy chạy bộ tại nhà, trẻ đưa tay nghịch máy nhưng bố không để ý khiến tay trẻ bị chà xát mạnh vào dây curoa và nhiệt của máy tập làm trẻ bỏng, trượt da mu bàn tay phải.

Sau khi nhập viện, trẻ được điều trị và chăm sóc vết thương hằng ngày, khi da lên tổ chức hạt thì trẻ được tiến hành phẫu thuật ghép da mu bàn tay. Sau phẫu thuật và chăm sóc hậu phẫu, tình trạng sức khỏe của bệnh nhi ổn định, ngày 7/6, trẻ được xuất viện.

Dạy trẻ kỹ năng phòng tránh tai nạn

Theo TS.BS Hoàng Hải Đức, mỗi năm, đặc biệt vào dịp hè nhiều trường hợp nhập viện do tại nạn sinh hoạt với các mức độ khác nhau trong đó có  những thương tổn nặng không thể phục hồi như đứt lìa ngón, cánh tay, bàn tay, bàn chân, ngón chân, thậm chí có trường hợp tai nạn gây nguy hiểm tới tính mạng.

Trẻ em với bản tính hiếu động, thích tò mò và chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh nên rất dễ bị tai nạn thương tích trong sinh hoạt. Một phần nguyên nhân cũng bởi sự lơ là, thiếu quan tâm của người lớn.

Để phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ, cha mẹ hoặc người chăm sóc cần đánh giá, xem xét bao quát môi trường sống của con, chú ý đến tình huống nào có thể gây rủi ro cho trẻ.

Ví dụ như các đồ vật thủy tinh, vật sắc nhọn; các yếu tố nguy cơ gây bỏng như nước sôi, nồi canh, nồi cơm điện đang sôi, … gần khu vực trẻ chơi.

Các đồ vật có nguy cơ cao cần để ngoài tầm với của trẻ và luôn để ý trẻ chơi trong tầm mắt của người lớn. Khi đưa trẻ ra ngoài môi trường sống quen thuộc,cần đặt trẻ trong sự bao quát, quan sát của người lớn.

Bên cạnh đó, cha mẹ hoặc người chăm sóc cần cùng trẻ tìm hiểu, trang bị cho trẻ những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất để trẻ có thể tự bảo vệ mình trước các nguy cơ tiềm ẩn.

Mới hơn Cũ hơn