Sáng 13/6, Bộ Y tế công bố TPHCM có 25 trường hợp mắc COVID-19 mới, trong đó có 22 trường hợp là nhân viên y tế của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM. Đây là những trường hợp đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin COVID-19 của hãng Astrazeneca.
Theo đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM là bệnh viện chuyên khoa truyền nhiễm, chuyên điều trị các căn bệnh liên quan đến truyền nhiễm và phòng chống dịch. Bệnh viện được đánh giá là đơn vị nòng cốt của TPHCM trong việc tiếp nhận điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19 nặng.
Hơn 900 nhân viên y tế của bệnh viện cũng là những người được tiêm vắc xin COVID-19 đầu tiên ở Việt Nam vào ngày 8/3 và hoàn thành tiêm mũi 2 trong giai đoạn từ giữa đến cuối tháng 4 vừa qua. Dù đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin COVID-19 nhưng 22 nhân viên của bệnh viện vẫn mắc COVID-19 khiến nhiều người thắc mắc.
Khu vực điều trị bệnh nhân COVID-19 của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM.
Chia sẻ về vấn đề này, TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, sau khi tiêm vắc xin chưa thể phát huy tác dụng ngay mà cần phải có thời gian để sản sinh đủ lượng kháng thể để cơ thể người chống lại vi rút. Tùy vào mỗi loại vắc xin mà thời gian sản sinh kháng thể có thể lâu hay mau.
Bác sĩ Hùng cho rằng, vắc xin COVID-19 cũng như bất kỳ loại thuốc nào cũng có tỉ lệ hiệu quả bảo vệ nhất định, giao động từ 75%-95%. Do đó, 100 người được tiêm vắc xin thì từ 75-95 người có thể phòng ngừa được nguy cơ nhiễm bệnh, còn lại 5-25 người vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh do không tạo ra kháng thể đủ chống lại vi rút sau khi tiêm.
"Ngay cả những người đã từng mắc COVID-19 rồi cũng có thể bị mắc lại. Do đó, không có gì là tuyệt đối. Vì vậy, việc phòng chống bệnh sau khi tiêm vắc xin phụ thuộc vào lượng kháng thể được tạo ra có đủ để chống lại vi rút hay không", bác sĩ Hùng nói.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới bị tạm phong tỏa từ chiều 12/6. |
Theo bác sĩ Hùng, việc tiêm vắc xin đem lại nhiều lợi ích vì dù có nhiễm bệnh thì cũng giúp tránh được diễn tiến trở nặng. Khả năng mắc bệnh của người từng tiêm vắc xin thấp hơn người chưa tiêm nên bảo vệ được cho những người xung quanh. Nếu tỉ lệ tiêm vắc xin đạt 70%-80% người dân trong một cộng đồng được tiêm vắc xin thì cả cộng đồng sẽ được bảo vệ khỏi nguy cơ truyền nhiễm. |
Tuy nhiên, bác sĩ Hùng cho rằng, việc tiêm vắc xin không phải là tuyệt đối mà ý thức trong việc phòng chống dịch bệnh của mỗi người dân mới là điểm mấu chốt để giúp ngăn chặn dịch bệnh. "Bên cạnh việc tiêm vắc xin thì phải kết hợp với các biện pháp khác như thực hiện đúng khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Kể cả những người không có kháng thể hoặc tiêm ngừa rồi nhưng không có đủ kháng thể để chống lại vi rút thì 5K sẽ giúp phòng chống nhiễm bệnh”, bác sĩ Hùng chia sẻ.